Kế toán là một vị trí việc làm quan trọng tại các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty có nhiều đối tác khách hàng rộng thì cần có kế toán công nợ để quản lý công nợ của công ty. Nhưng cụ thể kế toán công nợ là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua công việc ở vị trí này để biết rõ hơn nhé!
Kế toán công nợ là gì? Các loại công nợ
Kế toán công nợ là một phần trong bộ phận kế toán của mỗi doanh nghiệp. Nhiệm vụ của họ có liên quan đến các khoản nợ phải thu và phải trả nên vị trí này đặc biệt quan trọng có ảnh hưởng sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Sau đây là các loại công nợ:
– Các khoản phải thu: Là các khoản tiền chưa thu mà công ty đã bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.
– Các khoản phải trả: Là các khoản chưa thanh toán khi sử dụng các loại vật tư, thiết bị, hàng hóa… dùng trong quá trình sản xuất kinh doanh.
– Các khoản phải thu khác: Là các khoản phải thu ngoài những khoản thu khách hàng, nội bộ, tạm ứng, ký quỹ bao gồm các tài sản thiếu chưa xác định được nguyên nhân, còn chờ quyết định, các khoải thu bồi thường những tổn thất trong quá trình sản xuất.
– Các khoản phải trả khác: Là những khoản phải trả ngoài những khoản trả cho người bán, trả lương cho công nhân viên, các khoản nộp nhà nước, các khoản vay, trả nội bộ, nhận ký cược, ký quỹ bao gồm các giá trị tài sản thừa chưa xác định được nguyên nhân, trích từ các loại bảo hiểm mang tính tạm thời.
– Các khoản tạm ứng: Là khoản tiền tạm ứng hoặc vật tư giao cho người nhận để thực hiện công việc khi đã được phê duyệt.
Quản lý công nợ cần có những yêu cầu gì?
Có những yêu cầu trong việc quản lý công nợ trong doanh nghiệp mà kế toán công nợ cần nắm rõ, cụ thể như sau:
Các khoản phải thu
– Hạch toán chi tiết cho các khoản nợ phải thu theo từng khoản và từng lần thanh toán. Đồng thời kiểm tra việc thu hồi nợ tránh tình trạng chiếm dụng.
– Các khoản nợ phải thu bằng hàng, bù trừ giữa nợ phải thu và phải trả, các khoản nợ khó đòi cần có đủ chứng từ hợp pháp.
– Cần xác minh và xác nhận tại chỗ bằng văn bản đối với các khoản nợ tồn đọng chưa được thu hồi và khó có thể thu hồi dùng làm căn cứ lập dự phòng phải thu về các khoản nợ này.
Các khoản phải trả
– Hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải trả như nợ phải trả cho người bán, đơn vị cung cấp vật tư, hàng hóa, dịch vụ, người nhận thầu xây lắp, số tiền ứng cho người cung cấp.
– Các khoản chiết khấu giảm giá hàng hóa của người người bán ngoài hóa đơn mua hàng thì phải ghi sổ kế toán với từng khoản phải trả để ghi giảm số nợ phải trả.
Công việc chính của kế toán công nợ
Nhiệm vụ của kế toán công nợ khá là bận rộn với các công việc hành chính như soạn thảo và quản lý các hợp đồng, trong đó liên quan đến các điều khoản thanh toán. Theo dõi tiến độ thanh toán trong hợp đồng cụ thể. Đồng thời tiến hành nhập dữ liệu căn cứ trên các giấy tờ, phiếu nhập/xuất kho. Sau đó, định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh để theo dõi công nợ phải thu và phải trả.
Dựa trên những hợp đồng, kế toán phải theo dõi việc thu chi, điều chỉnh giá, khi có sự thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đồng thời kiểm tra công nợ, bồm gồm các khoản phải thu, các khoản phải trả, các khoản tạm ứng của nhân viên.
Phối hợp với các bộ phận liên quan để quản lý hợp đồng và theo dõi tình hình thực hiện. Tham gia thu hồi nợ với các khoản nợ khó đòi, các khoản nợ trả trước cho nhà cung cấp nhưng quá thời hạn nhập hàng hoặc dịch vụ. Đối với các công nợ khó đòi thì lên phương án xử lý bằng nghiệp vụ chuyên môn.
Lập báo cáo công nợ cuối tháng, quý, năm và theo dõi các khoản nợ quá hạn, nợ tín dụng quá mức cho phép rồi báo cáo với kế toán trưởng hoặc trưởng bộ phận phụ trách.
Qua phần trình bày trên, hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về kế toán công nợ là gì. Vị trí công việc cũng khá phổ biến được tuyển dụng rất nhiều hiện nay. Do vậy, chúng ta có thể tham khảo trên các trang tuyển dụng việc làm để biết thêm thông tin ứng tuyển nhé!